Hai mùa thi ĐH, CĐ vừa qua, các bạn trẻ trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM đã làm và bán những món đồ handmade nhằm gây quỹ cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt hơn cả, những món đồ handmade này của các sinh viên tình nguyện đều mang nội dung hướng về biển đảo với những cây bút chì khắc chữ “Tôi yêu Hải quân Việt Nam”, “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”, “Tôi <3 Việt Nam”…, hay móc khoá vải nỉ với dòng chữ “Trường Sa”.
Những món đồ handmade mang thông điệp biển đảo
Ngoài ra, trong chương trình năm nay, các sinh viên tình nguyện tham gia tiếp sức còn gắn liền các cụm thi với tên các đảo thuộc chủ quyền nước ta như cụm thi Trần Văn Ơn là Thổ Chu, cụm thi Trưng Vương là đảo Bạch Long Vỹ...
Bạn Đỗ Hoàng Thiên An (Cụm phó cụm THPT Trưng Vương) cho biết: Ban đầu, theo dự định, các cụm thi sẽ họp, bàn bạc thực hiện làm những đồ dùng thích hợp, mua vật liệu và phân công người làm. “Tụi mình trực ở đây từ hồi các em học sinh lớp 6 thi, các em ấy thích và ủng hộ lắm. Tụi mình còn bán dùm các cụm khác nữa”, An chia sẻ thêm.
Được biết, ở cụm Trưng Vương, các bạn sinh viên đã tiến hành làm và bán bút chì, thắt dây chữ, móc khoá vải dạ, đặc biệt đắt hàng nhất là balô rút tự vẽ.
Balô rút, đang là xu hướng của giới trẻ, được các bạn tự tay vẽ
Theo bạn Nguyễn Thị Phương Thảo (thành viên cụm thi Trần Văn Ơn): “Cụm thi tụi mình hưởng ứng World Cup và xu hướng cung hoàng đạo của giới trẻ nên tiến hành làm các móc khoá cờ các nước, các cung, hơn hết là liên quan đến biển đảo như tôm, cá, thuyền…. Giá của mỗi sản phẩm từ 10.000 - 50.000 đồng”.
Móc khoá cung Thiên Bình
Còn bạn Dương Anh Khoa – phụ trách chính công việc handmade tại cụm Ernst Thalmann, kể: “Khi được giao nhiệm vụ, mình lên mạng tìm những vật handmade dễ làm nhưng phải có ý nghĩa. Mình chọn viết chì thắt dây chữ, bookmark (đánh dấu sách – PV) bằng que đè lưỡi và vòng tay. Thắt dây thì khá dễ, mình nghiên cứu trong một đêm, bookmark mình phụ trách vẽ chính, vòng tay mọi người chia nhau ra làm”. Khoa cũng cho biết thêm, phần lớn khách mua hàng là người nước ngoài, họ khá thích thú về ý nghĩa của những vật dụng này nên ngoài tiền món hàng, họ hay “tips” thêm cho cụm.