Danh lam thắng cảnh - Quảng Ninh

Danh lam thắng cảnh

Việt Nam - Quảng Ninh

Quảng Ninh

Quảng Ninh là tỉnh ven biển Đông thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Đây là tỉnh khai thác than đá chính của Việt Nam. Quảng Ninh có phía tây giáp tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang, phía đông giáp vịnh Bắc Bộ, phía tây nam giáp tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng, phía bắc giáp huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) với cửa khẩu Móng Cái và Trinh Tường.

Địa hình & Khí hậu 

Địa hình đáy biển Quảng Ninh không bằng phẳng. 80% diện tích Quảng Ninh là địa hình đồi núi, tập trung ở phía Bắc. Một phần năm diện tích ở phía Đông Nam tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Quảng Ninh còn có rất nhiều đảo ven biển.

Quảng Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có một mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều. Ảnh hưởng bởi hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á nên khí hậu bị phân hoá thành hai mùa: mùa hạ nóng ẩm với mùa mưa, mùa đông lạnh với mùa khô. Mùa đông lạnh, nhiệt độ không khí trung bình ổn định dưới 20oC. Mùa nóng có nhiệt độ trung bình ổn định trên 25oC.

Những vét văn hóa đặc trưng

Quảng Ninh có gần 500 di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật... gắn với nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có những di tích nổi tiếng của quốc gia như chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, di tích lịch sử Bạch Đằng, chùa Long Tiên, đình Quan Lạn... đây là những điểm thu hút khách thập phương đến với các loại hình du lịch văn hoá, tôn giáo, nhất là vào những dịp lễ hội. 

Những điểm đến thú vị tại Quảng Ninh

Vịnh Hạ Long: Vịnh Hạ Long cách Hà Nội 170km từ phía. Nơi đây được mọi ngời biết đến bởi những tạo vật đá kỳ vĩ từ thiên nhiên.  Hạ Long, dịch sát nghĩa là vịnh của các con rồng đang đáp xuống. Trước thế kỷ 19, tên vùng này không được lưu trữ trong bất kỳ tài liệu nào. Khi nhắc đến biển Quảng Ninh hiện hay hoặc vịnh Hạ Long, các sách sử cũ thường nói đến những tên An Bằng, Lục Thủy hoặc Vân Đồn.

Vịnh Hạ Long

BếnVân Đồn: là cảng ngoại thương đầu tiên ở nước ta. Vân Đồn thuộc quẩn đảo Vân Hải, ngày nay thuộc huyện Vân Đồn, nằm ở phía đông nam vịnh Hạ Long. Quy mô lớn của thương cảng Vân Đồn một thời sầm uất đã được các nhà khào cổ ghi nhận qua việc phát hiện nhiều bến bãi với đồ gốm và tiền đồng nhiều triều đại, trên suốt một dải đảo từ Cống Đông, Cống Hẹp, Cống Yên, Ngọc Vừng đến Minh Châu, Quan Lạn..... 

Quần đảo Vân Đồn 

Khu du lịch đảo Tuần Châu: mới được xây dựng, cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 8 km. Toàn bộ Khu du lịch có diện tích khoảng 220 ha, được kiến tạo bởi những ngọn đồi thoai thoải. Tuần Châu có rất nhiều hạng mục công trình đã và đang được xây dựng. Từ ngoài cổng đi vào là khu biệt thự do khách hàng tự xây dựng, hạ tầng cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đi tiếp vào trong, khu phố ẩm thực với năm nhà hàng và nhà tròn được thiết kế theo kiến trúc cung đình rất đẹp cùng một lúc có thể phục vụ trên 1.000 thực khách với những món ăn Âu, Á và dân tộc do các đầu bếp nổi tiếng trong nước và ngoài nước thực hiện. Vào khu trung tâm du khách sẽ choáng ngợp bởi câu lạc bộ biểu diễn cá heo, hải cẩu, sư tử biển được xây dựng rất hiện đại và độc đáo.

Đảo Tuần Châu 

Khu di tích danh thắng Yên Tử: bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068 m so với mặt nước biển.Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt.  Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, thông, đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.

Chùa Yên Tử 

Bãi Biển Trà Cổ: bãi biển được mệnh danh là "trữ tình nhất Việt Nam" - một vẻ đẹp còn vẹn nguyên, hài hòa, bình dị với bãi cát trắng mịn màng trải dài phẳng lặng trong nền nước biển xanh biếc bốn mùa. Đến đây, bạn sẽ tìm được những khoảnh khắc bình yên, thơ mộng và tha hồ thả hồn mình vào nắng, vào gió...

Bãi biển Trà Cổ

Nhà thờ Trà Cổ: thuộc phường Trà Cổ, thị xã Móng Cái, được xây dựng từ thế kỷ 19 và được trùng tu lại năm 1995. Nhà thờ có hàng trăm bức phù điêu và một quả chuông 80 năm tuổi, nhà thờ Trà Cổ khá đồ sộ và có kiến trúc đẹp. Trong nhà thờ có một chuông cổ có từ 80 năm trước.Sau một thời gian bị hư hỏng, đến năm 1995 nhà thờ được sửa chữa lớn. Hàng trăm bức phù điêu được khôi phục, trả lại cho nhà thờ dáng vẻ cổ kính như xưa. Nhà thờ là điểm tham quan nổi tiếng của vùng Trà Cổ, Móng Cái.

Đặc sản Quảng Ninh

Cà Sáy Tiên Yên: là vịt lai ngan được dân địa phương thuần chủng và nuôi tại đây từ lâu đời. Người Tiên Yên làm thịt cà sáy và chế biến món nước chấm chuyên dùng của nó hết chỗ chê. Một thứ nước chấm có vị thơm của nước mắm Cái Rồng, Vạn Yên, Cát Hải, lại có vị ngọt ngào nồng ngậy của xá xị Quảng Tây cùng với vị cay dịu của gừng Tiên Yên trồng trên đất quê nhà. Thịt cà sáy không phải vịt cũng chẳng phải ngan nhưng hương vị lại có cả hai và qua bàn tay người Tiên Yên chế biến thì lại ngon lên gấp bội.  

Cà sáy 

Chả mực bánh cuốn: Trên khắp dải bờ biển Việt Nam nơi nào cũng có mực. Mực Nha Trang nổi tiếng là to, mực Hạ Long nổi tiếng là ngon bởi môi trường sống của nó.

Biển Quảng Ninh có nhiều loại mực: mực nang, mực ống, mực sim. Mực ống thường phơi khô đem nướng ăn. Còn mực sim, mực nang thì xào.Đặc biệt mực nang còn dùng làm chả mực rất ngon. Ở thành phố Hạ Long có dãy phố chuyên làm chả mực bánh cuốn ở cạnh rạp Bạch Đằng đã trở nên quen thuộc, nhiều người gọi là phố “Chả mực bánh cuốn”.   

Chả mực

Nem chua và Canh hà Quảng Yên : Nem chua Quảng Yên có thể sánh cùng nem chạo Thanh Hoá. Song mỗi nơi lại có hương vị riêng. Còn Canh hà Quảng Yên thì không đâu có. Đặc biệt là giống hà còn sống ở dòng sông Chanh. Đây là dòng sông cửa biển, có sự giao hoà giữa nước ngọt từ đồng bằng ra hoà với nước mặn của biển Hạ Long. Hà sông Chanh đem nấu canh chua ăn rất ngon và có cả bốn mùa, nhưng thú vị nhất vẫn là được ăn vào những ngày hè nóng bức.  

Nem chua Quảng Yên 

Rượu nếp ngâm Hoành Bồ: Rượu được chế tạo từ loại gạo nếp đặc sản của địa phương. Gạo nếp không giã, được nấu chín đưa vào ủ. Khi đã lên men và đến độ ngấu thì người ta cho vào ngâm cùng với thứ men lá lấy từ trong rừng Hoành Bồ, sau một thời gian chuyển thành rượu. Rượu được chắt ra đựng trong hũ, lọ để uống dần, mỗi bữa một vài chén. Thú vị nhất khi uống rượu nếp ngâm Hoành Bồ là khi đi thuyền trên hồ Yên Lập, ăn cá trắm hoặc cá chép được đánh bắt ngay tại hồ và được ngắm nhìn thưởng thức cảnh đẹp nên thơ của thiên nhiên kỳ thú.  

Rượu nếp ngâm Hoành Bồ 

Rượu ngán Hạ Long: Ngán luộc, ngán nướng, người ta có thể ăn ngay cũng rất ngon, nhưng khi đem pha chế thành rượu ngán thì sẽ trở thành một thứ đồ uống tuyệt hảo. 

Rượu ngán có mùi thơm, một mùi thơm khó tả rất riêng của biển. Cái thú vị khi uống rượu ngán là được tự tay điều chế. Một ly rượu ngán chuẩn phải có màu hồng, có vị hơi mằn mặn, chan chát, có mùi thơm thì mới đúng là rượu ngán Hạ Long. Uống rượu ngán Hạ Long ăn tôm hấp, sò huyết, ghẹ luộc, cá nướng, chả mực, hay bất kỳ một thứ hải sản nào cũng đều rất hợp.

Sái Sùng rang: Ở vùng biển Quảng Ninh có một loại hải sản đặc biệt, được gọi là sái sùng (hay sá sùng), tiếng Hán Việt gọi là sá trùng (con sâu cát), dân địa phương gọi là con mồi. Sái sùng khô đem rang, khi chín có màu vàng, mùi rất thơm, một hương thơm nồng ngậy đậm đà của biển. Sái sùng rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm và uống với bia thì thật là tuyệt.

Sái Sùng 

Thắng cảnh Quảng Ninh

  • Cô Tô

    Cô Tô

    Cô Tô là một quần đảo gồm khoảng 50 đảo nằm ở phía đông của tỉnh Quảng...

Cẩm nang du lịch

Đăng ký nhận bản tin hàng tuần để biết thông tin khuyến mại vô cùng hấp dẫn
🏠 TRỤ SỞ CHÍNH
Tầng 2, số 66A Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
☎ 024.7306.6363
🏡 VĂN PHÒNG HỒ CHÍ MINH
569 - 573 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM
☎ 028.3920.9601